Sau một thời gian nhờ vả nội ngoại trông con, nhà đã tìm được người giúp việc.
Ban đầu, vợ cứ gọi là cô giúp việc cho phải đạo, sau tiết kiệm thời gian trong cả ngôn từ, vợ chuyển sang gọi cô cho thân mật. Rồi để gọi thay con, vợ lại gọi cô giúp việc là bà. Thế là cô cô, bà bà, loạn xị ngậu. Mà chả sao, thấy ánh mắt cô- bà giúp việc có vẻ long lanh, vì được gọi theo danh xưng của người trong gia đình. Thế là chốt.
Hôm đầu đến, cô thấy trong kho của nhà có vô khối hàng hóa, chạy đến gian hàng trẻ em lựa chọn được zăm bộ, bảo: “Khiếp, bọn trẻ sao giờ sướng quá. Ăn trắng mặc trơn mà không lớn lên được, cứ còi gí. Đấy, nhìn con nhà cháu thì biết. Nhỉ? Chả bù cho ngày xưa, trẻ con còn bốc nhầm c..ứ…t gà để ăn, thế mà cứ béo mẫm…”. Qua tiếp đến gian hàng này sang gian hàng khác, cô bỗng chỉ tay lên trần nhà, tuyên bố: Thôi, 5 bộ này đã, trừ vào tiền lương nhá. Hôm nào cô mang về cho đứa cháu ở quê.
Sáng hôm sau, đang mơ màng mộng đẹp, nghe tiếng cửa đập uỳnh uỳnh: Bu nó dậy đi. Sáng bảnh mắt ra rồi còn chưa dậy thì cứ mà vắt chân lên cổ. Dậy đi chợ đi, để cô ở nhà dọn dẹp, phơi quần áo… Vợ đưa tay véo má cho tỉnh ngủ, rồi cun cút tìm tiền ra chợ.
Trời mưa tầm tã, đội ô ra chợ loẹt quẹt đôi tông, bùn đất bắn lên tận gối. Vợ tấm tức, sao mình không phải là người ở nhà và cô là người đi chợ nhỉ???
Chiều đi làm về, tạnh mưa, vừa đến sân, thấy bà với cháu đang tụ tập buôn dưa cùng mấy bà cháu trong chung cư.
- Bà mới đến à, trông giống cháu thế, bà nội hay bà ngoại?
- Nội- ngoại gì, tôi còn quan trọng hơn cả bà nội, bà ngoại.
- Gớm, thế là gì, cao hơn cả bà nội hay bà ngoại thì đi chỗ khác đi, bọn tôi đây toàn giúp việc không à.
- Ờ thì, đây cũng là giúp việc.
Vợ định chạy lại bế con, thôi thì lẻn cổng sau lên nhà cho lành. Không phá tan câu chuyện trên mây của mấy bà lại rách việc.
Và cơm nước vẫn như mọi ngày, vợ chui vào bếp với lòng băn khoăn. Mình mới có giúp việc mà nhỉ?
Đang kho nồi cá, vợ giật nẩy mình bởi tiếng cửa sắt mở. Cứ tưởng chồng về như mọi bận. Mà không, bà vơi cháu về.
- Nào chuẩn bị nước để bà tắm cho cháu, nước ấm chưa? Gớm cái thằng bố mày, đi làm gì mà về muộn thế, hay lại tụ tập chém gió chém bão, rồi lại dùng dịch vụ từ A đến Z cho mà xem.
Nghe xong, vợ giật ngay cái điện thoại gọi cho chồng kể lại y nguyên. Chồng cười hô hố: Thôi có giúp việc rồi, em với bà ở nhà tự xử nhé, anh đi thể thao. Lại cái bài hát mà con bé con hay hát: Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao, sao từ miệng chồng phát ra nghe cứ muốn phát rồ.
Sáng thứ 7, lòng hí hửng vì cuối tuần này có giúp việc đỡ rồi, tha hồ đi tụ tập thăm nom bạn bè sau mấy lần thất hứa. Nhận điện thoại: Cô đây, chiều cháu về sớm đón con nhé. Trưa nay cô xin về quê thăm gia đình. Hic hu, lần đầu xa nhà, nhớ lém quên sao được. Rồi cô còn mang quà về cho cháu nữa, gọi là bà đi làm ăn xa… Blab la…
Vậy là vũ như cận, vẫn là em của ngày hôm qua.
Tối chủ nhật, đợi mãi chưa thấy cô lên, gọi điện thoại nghe tiếng hát hò ầm ĩ: A nhô, hôm nay sinh nhật cháu cô, thôi để sáng mai cô lên sớm, kịp cho mẹ cháu đi làm là được.
Sáng thứ 2, chồng đi làm, vợ ở nhà ôm con sốt ruột, gọi điện cho cô vẫn trong veo: A nhô, thôi sáng nay mẹ cháu xin nghỉ 1 buổi, chắc tầm trưa cô mí lên. Hí hí, tối qua ngủ muộn quá, sáng quên bố nó mất, dậy muộn, tí nữa mới ra bắt xe lên Hà Nội được. Mẹ cháu thông cảm.
Tối thứ 4, hai vợ chồng đi sinh nhật bạn, bảo bà ở nhà trông cháu, đến giờ nhớ cho cháu uống sữa, đi ngủ. Bà: Biết zồi…, phụng phịu, mặt cứ chảy sệ ra. Vợ định quơ vài câu rồi chợt khựng. Cái mặt mình lúc sếp sai việc thỉnh thoảnh cũng chảy ra thế này đây, thôi, thông cảm cho người ta và đành nhịn cho con nó nhờ.
Tối muộn, vợ chồng về, thấy con đã ngủ, qua kho hàng kiểm tra theo thói quen, thấy lộn tùng phèo cả lên. Chồng vốn ngăn nắp, hỏi rõ to: Sao lộn xộn thế này bà ơi, có ai vào kho xem hàng à?
– Ơ, nào có ai, tôi đấy. Tôi vào thử mấy bộ đồ, mà bố khỉ, bộ nào cũng chật. Nhà quê chúng tôi thiệt thòi quá, không có điều kiện tập thể dục thẩm mỹ, thể thao dụng cụ gì cả, người cứ béo ú ra. Chả bù cho thanh niên cô cậu, dáng cứ nuột nà nhỉ?
- Lần sau bà đừng tùy tiện vào kho hàng nhé, và ở nhà không cho khách vào.
- Cậu đếm lại đi, tôi không lấy cái nào đâu nhá.
Chồng té ngửa, nhìn vợ rồi nín nhịn.
Quay ra đã thấy cô vơ tay lấy tấm màn ngủ đưa lên dụi mắt, mồm không ngớt: Tôi là tôi lương thiện.
Vợ rùng mình nhớ đến cảnh thằng Chí cầm mảnh chai mà hét lên Ai cho tôi lương thiện, liền hạ hỏa cho cả hai, rồi tống nhau đi ngủ.
Sáng ra, vợ chủ động dậy sớm, đã thấy cô kéo góc bếp bảo:
- Này chồng cháu ấy, liệu nó có đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành không?
Vợ ngán ngẩm.
- Thôi thế cô xin cháu vậy, hôm nay mua cho cô cái thẻ điện thoại để thỉnh thoảng cô gọi về nhà. Mà mạng Viettel ấy nhá, đang có khuyến mại 50% đấy. Nhá.
Cuối tuần đến, cô bảo tháng đầu đi làm còn nhớ nhà, với lại đây về đấy cũng gần, mẹ cháu được nghỉ làm thì trông con cho cô về quê thăm nhà.
Ừ thì, sống trong đời sống, cần có một tấm lòng.
1 tháng 4 chủ nhật, 4 lần về thăm nhà, và 4 cái thứ 2 vợ đi làm muộn, bị sếp lườm.
Sáng chủ nhật thứ 5, vợ mắt nhắm mắt mở đi vào WC, suýt té xỉu vì thấy loang loáng bóng người trong phòng tắm. Năm mười ngón tay cứ đưa nhau quào bộ tóc dài ngang lung, uốn a uốn éo.
- Sao cô không bật điện phòng tắm? sao cô không đóng cửa? Cô chải tóc kiểu gì vậy, sao cô không dùng lược? Cô chuẩn bị đi đâu sớm thế?
- Gớm, hỏi từ từ thôi cô còn trả lời. Hôm nay là chủ nhật mà. Các tuần trước toàn về chiều thứ 7. Tuần này nể lắm, nên sáng chủ nhật cô phải về sớm. Mẹ cháu ở nhà trông con nhé.
Vợ tỉnh ngủ.
Chạy vội vào phòng vớ ví, kiểm tiền rồi dúi vào tay cô.
- Đây là tiền lương và tiền đi đường. Cô về mạnh khỏe, và….ĐỪNG LÊN NỮA Ạ.
Chồng được điều động dậy để tiễn cô ra bến xe. Vừa chào cô vẫn không quên trình bày: Tôi là tôi lương thiện.
Vợ bấm máy gọi điện trình bày với người giới thiệu ở quê. Trò đời, nhận cũng khó mà trả về không phải dễ. Nhưng thà chịu khó chịu khổ thêm tí, nếu cố được cứ cô, còn hơn sống cảnh, làm đầy tớ cho Ôsin.
Vợ lại ca bài: Đời em Ôsin.