Truyền thông hay quá, tiếc là dịch vụ chộp giật
Đang mải miết gõ bàn phím, bỗng nghe tiếng loa vui nhộn. 1 lần, 2 lần, rồi 3 lần, tiếng loa chạy trên xe máy vòng đi vòng lại trên các tuyến đường trong khu đô thị. Đó là lời chào mời chương trình xiếc thú thiếu nhi vào tối thứ 7.
Đúng dịp rồi. Thiên thời- Địa lợi- Nhân hoà. Thời tiết đẹp, lại đúng tối thứ 7 rảnh rỗi, thư giãn cuối tuần. Địa điểm ngay nhà văn hoá trong phường, vèo cái là đến nơi, quá tiện lợi. Sau cả năm cùng con cắm cúi học, nay nghỉ hè cũng là dịp cho con vui chơi nhảy múa, xem xiếc quá hợp đi chứ.
Xách xe chạy ra nhà văn hoá, thấy băng rôn, khẩu hiệu rầm trời, cầm cái tờ rơi trên tay, nào là đủ chương trình nhộn nhịp: Xiếc nhào nhộn trên không, đu dây, đi bằng gậy, đua xe máy, chạy xe đạp, khỉ học bài, khỉ đi thi, trăn trèo cổ… hầm bà làng loạn xị ngậu. Ưng! Càng nhiều trò càng thú vị, càng đáng để cho con đi xem.
Chạy vào bàn bán vé. Vé trẻ em 50k, vé người lớn 100k. Đầu thắc mắc, miệng hỏi luôn: Sao xiếc cho trẻ em, người lớn phải đi kèm để trông, mà vé người lớn max thế?
Miệng hỏi tay vẫn rút ví. Thôi thì, “mua 1 vé về tuổi thơ vậy”.
Cầm tấm vé, thấy chỗ ghế ngồi bỏ trống, lại hỏi: Sao không có số ghế? Giải thích ú ớ- thôi ko sao, người bán vé chứ có phải chuyên gia diễn thuyết đâu, lại tự suy diễn, đầy lần vào các trung tâm hội nghị, cả phòng rộng, cũng có cần số ghế đâu, đến sớm chọn ghế tốt. Hơn nữa, liếc vào tờ vé, thấy ghi: “Chương trình lịch sự- Sang trọng”. Chốt!
Hôm sau đón con ở trường mẫu giáo, thấy có 1 tệp tờ rơi, mấy cái giấy mời, rồi xe loa vẫn mải miết ngày ngày loan tin. Thấy cũng sôi động đấy- Truyền thông tốt. Về nhà còn lên mạng rủ bạn bè cho con đi xem xiếc cho vui.
Mà đúng là truyền thông tốt thật. Đúng tối thứ 7, cả nhà ăn cơm sớm, rồi kéo nhau ra nhà văn hoá, tự nghĩ: Phải đến sớm tí cho con ngồi ghế đầu cho dễ xem. Đến nơi đã thấy chật kín người ngoài cổng. Nào ông, nào bà, nào bố, nào mẹ, nào cô, nào chú… tay dắt cháu, dắt con hân hoan, rộn ràng. Ai cũng hớn hở vì dù sao đây cũng là món quà dành tặng con em mình nhân dịp nghỉ hè.
Qua cổng soát vé, vẫn ổn.
Bước vào trong mới suýt ngất.
Thì ra khán đài là một lô cốt được dựng lên ngoài trời, căn phòng trong mơ với số ghế sang trọng là một bãi đất rộng thênh thang với cả ngàn chiếc nghế nhựa xanh buộc chân nối đuôi nhau.
Bắt đầu nghe đâu đó tiếng chửi thề, tiếng hô lừa đảo, nháo nhào. Tiếng 1 bà lanh lảnh:- Tiên sư nó, hôm qua nghe nói giá vé người lớn 100k, hôm nay ra mua nó đã hô lên 150k, tưởng vào ngồi ghế điều hoà trong nhà văn hoá, hoá ra lại ngồi cái ghế nhựa lố nhố ngoài bãi sau nhà.
Chửi là cũng đúng thôi, không phải hạng vô văn hoá đâu nhé. Nhưng trong trường hợp này, đầu Bu cũng đã bung ra vài ý nghĩ mà không dám thốt nên lời vì sợ con nhỏ nghe thấy: Khốn nạn.
Người đổ vào mỗi lúc 1 đông, ghế ngồi cũng lấp kín gần hết và bắt đầu xảy ra hiện trạng: Khán đài quá thấp, trẻ em ngồi sau nhau không thể thấy, thế là phải đứng lên.
Đứa trước đứng lên, đứa sau cũng phải đứng, rồi như làn sóng, đứng cả dậy, sau ngắm lưng trước.
Bu nó bắt đầu nghĩ đến cái cảnh ngồi xem phim trong rạp Lotte mà ao ước thèm thuồng. Tiền vé có lúc còn thấp hơn do có thẻ thành viên, mà ngồi mát ăn bát vàng sướng thế.
Rồi nghĩ đến cảnh có mấy người vì hiếu kì phải vừa ngồi ăn phở vừa nghe chửi, ừ thì thôi, cố ở lại xem vậy.
Bu nó nhìn quanh, tay bà quạt, tay ông bế cháu, người trèo lên bờ tường, đứa nhảy lên cành cây, mục đích chính là để nhìn cho rõ lên sân khấu.
Bu kém miếng khó chịu quá, thằng ku con người nhỏ con, cứ bù lu bù loa, con không thể nhìn rõ khỉ trên sân khấu. Bu kéo 2 đứa thoát ra đám lố nhố, ra hẳn một mảnh sân rộng phía sau. Bu cúi xuống hàng ghế phía sau hì hục tháo ghế, nhưng buộc chặt quá, hẳn bằng dây thép- bó tay rồi.
Toát mồ hôi.
Bất giác, Bu nhìn loáng thoáng thấy chồng ghế dự phòng ở cổng, bảo thằng ku con chạy ra lấy. Chạy đi chạy lại 10 vòng.
Bu xếp 9 cái chồng lên nhau cho ku con đứng lên, còn Bu giữ hẳn 1 ghế, tháo dép, cũng đứng hẳn lên, bế đứa nhỏ hơn.
Chao ôi, cả nhà háo hức như Thị Nở được mùa, phấn khởi vì nhìn lên sân khấu rõ hẳn, mặc dù nhìn từ xa.
Quên cả nỗi bực vì bị lừa nỗi lịch sự sang trọng, Bu bắt đầu thấy mỏi tay, đau cơ vì cứ thế bế đứa nhỏ trên tay theo chiều thẳng đứng suốt hơn 2 tiếng cho con xem.
Thi thoảng lại phải từ chối và lấy làm nhục nhã, xấu hổ vì có em bé chạy lại: Cô ơi, bảo em nhường cho cháu cái ghế- Không được cháu ơi, chịu khó ra đằng kia kiếm nhé, ghế cao này mới đủ em nó đứng xem- Ơ, ghế là ghế chung mà- Ừ chung, nhục quá, chung cũng chịu thôi, Bu đây không cõng thêm 1 đứa trên lưng được.
Chao ôi, có phải vì tình thương yêu con của các ông bố bà mẹ vĩ đại, của những người ông, người bà, người anh, người chị trước con mắt háo hức xem khỉ, xem thú của lũ trẻ, hay vì tiếc cái khoản tiền đã mất để mua vé, mà toát mồ hôi hột, mỏi nhừ chân tay, đứng nhón chân bế con suốt mấy tiếng đồng hồ.
Đoán chắc, đến 1000 người thì phải có 999 người tự thề không bao giờ có lần 2 ở đây, không bao giờ mắc bẫy xem xiếc của bọn này nữa.
Về nhà, Thầy bu vừa bóp tay vừa gõ vào đầu Bu: Lảm nhảm cái gì nữa, chúng nó chỉ cần lừa dân 1 lần là đủ thu tiền rồi, cần gì quay lại lần sau.
Nhưng Bu nó lại nghĩ khác: Cả buổi diễn xiếc thực ra rất lắm tiết mục hay, các diễn viên biểu diễn chuẩn, đẹp, điều quan trọng là các cháu nhỏ xem rất thích thú. Khâu truyền thông bước đầu của chương trình cũng tốt nữa. Chỉ có điều, trẻ em thích nhưng người rút ví trả tiền là phụ huynh, mà kiểu bớt xén, chộp giật, muốn kiếm nhiều 1 lúc, không chịu thuê cái địa điểm mặt bằng cho lịch sự một chút, tự nhiên đã đẩy cả gánh xiếc xuống hố.
Bu nó lại nghĩ, thà bớt đi một số tiết mục xiếc, bớt vài diễn viên để lấy tiền cát-xê đó thuê cái phòng cho tử tế. Rồi có thể mở tối thứ 7 đầu tiên, tối thứ 7 thứ 2 vẫn thu hút khối khách. Chứ không phải chỉ mở 1 tối rồi cao chạy xa bay, không dám ngoái đầu lại.
Bu nó thề không bao giờ qua cái nhà văn hoá xem xiếc hoặc bất cứ một chương trình nào nữa, thề không bao giờ xem chương trình của cái bọn loa xe nữa.
Mất tiền mua bực vào thân.
(Một bài viết cũ)