Mấy ngày đi tham quan ở Huế, được ở vai trò là Thượng đế, thật mãn nguyện.
Vừa bước chân xuống xe, bà chủ khách sạn đã đứng ngay cổng đon đả cúi chào. Bà chủ trang điểm mỹ miều, quần áo đẹp đẽ, mặt tươi như hoa đứng đó, cúi chào tôi, dép xỏ ngón, quần đùi, áo ba lỗ, mặt mộc. Không có sự phân biệt giàu nghèo ở đây, không có sự soi mói đẹp xấu ở đây. Đơn giản, chỉ là vì, trong hoàn cảnh đó, tôi là khách hàng của bà ta.
Tôi để ý thấy, theo mỗi bước chân khách hàng đi qua, đều có nụ cười nhẹ nhàng thanh lịch của những người phục vụ dõi theo. Ánh mắt họ, như chỉ chờ cần tôi ra hiệu, hay bất cứ khách hàng nào yêu cầu, sẽ sẵn sàng đáp ứng và hỗ trợ một cách nhanh nhất.
Con người Huế, từ bà chủ khách sạn 5 sao, đến anh đạp xích lô ngoài lòng đường đều biết rất rõ vai trò của người làm dịch vụ.
Còn nhớ một buổi tối, khi tôi mon men đi dọc hè phố để ngắm cảnh đêm, anh xích lô lịch sự mời tôi dạo một vòng. Tức là sử dụng dịch vụ bằng sức lao động của anh ta, ngồi lên xe để anh ta chở đi dạo phố với giá 50.000 đồng không đếm kilomet.
Tôi lắc đầu không đi nhưng ngỏ ý muốn anh ta chỉ đường đi ra bờ sông Hương. Anh xích lô thân thiện chỉ đường, dặn đi dặn lại nhớ quẹo chỗ này, quẹo chỗ kia cho chuẩn.
Được một lát, lại thấy anh phóng ngang tầm đi, thong thả bảo, nhớ đi đúng đường anh ta chỉ, không quẹo nhầm thì lang thang cả đêm. Một cảm giác thân thương đến lạ, sau vài câu giao tiếp, trò chuyện mộc mạc, tôi lại leo lên ghế ngồi, sử dụng dịch vụ của anh ta một cách tự nguyện.
Anh xích lô bảo, người dân Huế hiện nay đang sống trong cảnh “Người chết nuôi người sống”, tức là nhờ những lăng tẩm, đền đài, di tích kế thừa của người xưa để lại. Người dân Huế dựa vào nguồn thu từ khách du lịch đến thành phố tham quan di tích xưa nên phải trân trọng và hoàn thiện nó từ những chi tiết cho nhất. Tôi chỉ cảm nhận đơn giản một điều: Thật thanh lịch và đậm đà.
Cảm giác này cũng phảng phất khi có lần tôi đến Đà Nẵng, lang thang trên phố đêm, tạt vào một quán ăn ven đường. Vì “no bụng đói con mắt”, tôi và người bạn đi cùng hối hả gọi món ăn. Người chủ quán chất phác nói giọng Quảng Nam hơi khó nghe, dịch đại khái – Anh chị nên gọi đủ món để ăn thôi, ăn dần, khi nào hết thì gọi tiếp. Đừng gọi nhiều một lúc, ăn không hết lại lãng phí.
Tôi chưa kịp há mốc mồm, cũng đủ tí thông minh để hiểu. Con người ở đây, mặc dù là họ đang kinh doanh, nhưng vẫn nghĩ đến lợi ích của khách hàng là số một.
Khác hẳn với lần tôi đi Phú Thọ, Tuyên Quang hay là cuộc sống thường nhật nơi Thủ đô tôi vẫn sống. Bà chủ vừa mới bán cho tôi gói bánh sắn 25.000 đồng, nhưng liền sau bán cho một cậu mắt xanh, mũi cao giá 50.000 đồng. Đơn giản, vì trên bao bì sản phẩm không đề giá, và mặc nhiên hơn, bà ta bảo, tùy khách hàng mà “bóp”.
Dần dà, “bóp” đi “bóp” lại rồi méo hết niềm tin.
Chưa kể, mới đây, tôi lại dại dột nghĩ mình đang ở Huế, cứ quần đùi áo phông đi sắm nội thất cho gia đình. Bước vào cửa hàng, thấy ánh mắt nhìn mình khang khác, bàn tay hướng dẫn cũng dắt mình sang khu vực nội thất hạng xoàng, chắc họ vừa nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu xanh nước biển dưới chân tôi.
Tá hỏa, hóa ra đây là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi nhìn diện mạo mà đón tiếp, nhìn trang trục mà phục vụ.
Trong mỗi hành trình, trên mỗi chuyến đi, tôi luôn tích cóp cho mình những bài học quý giá của cuộc sống. Trong hàng trăm lần làm khách hàng, cũng có lúc đôi được làm Thượng đế, cũng có lúc tôi bị đá ra rìa. Nhưng trong thâm tâm, tất nhiên rồi, tôi cũng như bất cứ ai khác, khi làm một vị khách hàng, luôn mong muốn mình được phục vụ tốt nhất. Khi được đối xử như một Thượng đế, tôi chỉ muốn khoe khoang và muốn gọi thật nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân đến chốn bồng lai đó để hưởng thụ.
Nếu bạn đang kinh doanh, bạn có nghĩ, Khách hàng của mình sẽ luôn là Thượng đế không?