Bà Ngoại

Để tôi nghĩ được như bây giờ, thì bà ngoại đã đi xa.

Ngoại sinh được 2 cô con gái là mẹ và dì. Thuở trước, cái việc phải sinh được con trai nối dõi nó nặng nề và đầy áp lực, nhưng tạo hoá chỉ cho ngoại có 2 cô con gái.

Mẹ tôi lấy chồng cách nhà 36km, rồi dì tôi cũng vậy. Lần lượt 2 cô con gái đi lấy chồng và ở riêng.

Ký ức trong tôi chỉ là những tháng ngày nghỉ hè về quê, chạy lon ton từ nhà ông bà nội sang nhà ông bà ngoại chơi. Nhớ mái tóc bà đã lốm đốm bạc, nước da đồi mồi bắt đầu nhăn nheo, tay gầy đầy gân guốc.

Ngoại có đôi mắt rất tinh nhanh, màu nâu sậm, nhưng khi về già hay bị chảy nước mắt sống, khi đó, tôi cứ nghĩ là Ngoại hay khóc nhè. Mỗi lần tôi về quê chơi, Ngoại hay ngồi cạnh song cửa, ngắm tôi nhảy lò cò ngoài vườn, vừa để canh chừng cái ao phía trước.

Như một điều hữu nhiên, ở quê, nhà ai cũng có 1 cái ao trong vườn, vừa để thả bèo nuôi cá, vừa để rửa qua chân tay khi ngoài ruộng về. Tôi cũng như bao đứa trẻ khác, chỉ thích đứng ở bờ ao, khuơ chân khuơ  tay vào nước, khuấy cho các khiếp sợ mà chạy, rồi thích thú bắt mấy con ốc đang bám vào thành  bờ…

Vì bố mẹ tôi thoát li đi làm cán bô nhà nước, không dính dáng đến ruộng đồng, nên mỗi lần về quê, trái tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi thích nhìn cánh đồng xanh mơn man, khoái chí khi đàn cò nghe tiếng động mà vỗ cánh bay, hoặc xoa nhẹ tay lên bộ lông vàng ươm của con bò mẹ, nuốt nước bọt ừng ực khi Ngoại bê ra nồi khoai hay ngô luộc vừa dỡ ngoài đồng.

Tôi vô tư với những thích thú trẻ con, chưa phân biệt được sự sang giàu trong cuộc sống.

Nhớ lúc đó, nhà Ngoại thật nghèo, trong nhà chỉ có cái chõng tre, cái bàn gỗ cũ và cái ghế dài để ngồi uống nước. Bữa cơm đạm bạc với hai thân già. Đôi lần, ngồi sau xe mẹ trước khi về xuôi, ngoảnh lại, vô tình bắt gặp bóng Ngoại đứng tần ngần trước cửa, mắt nhìn đau đáu, buồn mênh mang. Tuổi già cô đơn.

Lên Đại học, mỗi lần về thăm nhà, tôi đều cố gắng cùng mẹ về quê thăm ông bà nội ngoại. Khi tôi lớn, đồng nghĩa với việc Ngoại đã già đi thật nhiều, chân chậm, ray run, tóc bạc trắng xoá. Tôi đủ lớn để nghĩ, bà cụ tóc bạc trắng kia không phải là bà Tiên, sống lâu trăm tuổi, mà cụ bà móm mém ấy là người đã thân sinh ra mẹ mình, không tránh được cái vòng đời Sinh- Lão- Bệnh- Tử.

Tôi giúp mẹ đun nước, pha ấm để tắm cho Ngoại. Tay chạm vào mảng da thịt nhăn nheo, thân hình gầy gò, lòng chạnh lòng. Ước gì, Ngoại ở cùng con cháu, có phải vui hơn không?

Tôi hỏi mẹ tại sao ông bà không về ở cùng mẹ hoặc dì cho vui, tuổi già sớm hôm có người nương tựa. Mẹ chỉ cười buồn, các cụ không thích ở cùng con gái, nếu bà có con trai, thì sẽ khác.

Giờ đây, Ông, bà tôi đều không còn nữa, họ đã mãi ra đi khi tôi trưởng thành hơn. Khi tôi đủ khôn ngoan, đủ va chạm để hiểu và cảm thông được nhiều điều. Một phần ký ức tuổi thơ đã để lại ở đó, nơi mảnh vườn nhỏ trồng nhiều rau, có cái áo vuông vắn là nơi trú ngụ của lũ ếch nhái cứ kêu ộp oạp mỗi đêm.

Mỗi lần nhớ về ngày xưa, tôi vẫn nhớ đôi mắt đau đáu buồn mênh mang của Ngoại khi tiễn con cháu về xuôi, nhớ bàn tay run run đưa cho tôi cái bánh rán tròn vo nhiều đường, quà mỗi lần Ngoại đi chợ hôm, nhớ tiếng Ngoại gọi tên tôi một cách mộc mạc chân tình.

Bài viết khác

Nhật ký tuổi dậy thì con gái

Thu sang thay áo mới

Dọn tủ đón Tết, thay mới Nội y