Năm 2005, khi tôi còn ôm nắm sách vở toàn chữ là chữ ôn thi hết môn ở Giảng đường, thì mẹ hối hả gọi điện, đi ra viện gấp. Đó là lần đầu tiên sau khi được sinh ra và lớn lên, tôi chứng kiến cảnh bố mình đi viện.
Năm thứ 3 Đại học mà nhìn bố tôi nằm trên xe cấp cứu hú còi chạy cả đêm từ NA ra HN, mặt tôi cứ tái xám, xanh lè như đít nhái. (Nói thế thôi chứ đến tận bây giờ vẫn chưa chộp được con nhái nào để xem đít nó có xanh như mặt mình năm ấy thật ko )
Hồi đó viện 108 còn vắng vẻ, bố tôi mổ xong còn có riêng hẳn một phòng để nằm, thế là tôi ôm luôn sách vở vào viện “để ở“ với bố. Lúc bố tỉnh dậy sau mổ, tôi nghe bác sĩ dặn, lấy cái khăn màn thấm ướt nước, chấm chấm vào môi bố để đỡ khô mồm, rồi thỉnh thoảng phải gọi cho bố tỉnh, ko được để bố ngủ lâu. Thế là tôi ngồi cạnh gọi liên hồi
Tôi hỏi đủ các kiểu, đại khái bố còn đau ko? Bố đau chỗ mô? Rồi lúc mô bố cũng trả lời, khôngggg, mà ko vô trường để thi đi à? Tôi cười hề hề, vẫn thấy bố còn khoẻ lắm, vẫn nhớ thói quen xưa nay, giục tôi chuẩn bị bài vở, giục tôi sắp xếp đồ đạc kịp giờ, mỗi lần chở tôi đi thi HSG cũng như chở lên ga tàu, đều bắt dậy rất sớm và đi rất sớm, cấm có lề mề.
15 năm sau, khi tôi khôn hơn rất nhiều (hoặc là ngu muội đi theo những cách nghĩ khác), thì bố tôi lại phải ra HN để mổ. Viện 108 đúng thời Covid, hiện đại và quy chuẩn khắt khe. Tôi với mẹ ngồi vêu mỏ ngoài sân bệnh viện, gặm tạm bánh mì, chờ bố mổ. Vì ko có người nhà bên cạnh, nên tôi dặn bố, nhớ tự mình “cảm ơn” bác sĩ trước khi mổ. Đến tận trưa, bố tự cầm điện thoại và gọi báo, mổ xong rồi, mẹ tôi được phép vào. Tôi hỏi với theo trong điện thoại, rứa bố cảm ơn bác sĩ chưa??? Bố tôi cười, cảm ơn rồi mà người ta cảm ơn lại, bác sĩ hỏi bố bị thương ở chiến trường nào? Mất chân năm bao nhiêu tuổi? Rồi cả ekip còn kịp động viên bố trước khi ca mổ bắt đầu
Tôi vẫn cười hề hề trong máy, nhưng thực tế nước mắt cứ thế chảy. Người thương binh bước ra từ khói lửa chiến tranh, đánh rơi mất một phần thân thể đâu đó không tìm lại được, đi đến đâu cũng đều nhận được sự yêu thương và quan tâm ấm áp.
Chiến tranh tưởng chỉ còn là những bài học lịch sử trong sách giáo khoa, nhưng thực ra nó vẫn hiện hữu với cái nạng khập khiễng và chiếc chân giả lọc cọc theo bố từ thuở thanh xuân cho đến lúc xế chiều. 27/7 hàng năm, người người lại ca vang những bài ca, kể về những chiến tích, còn tôi lại rón rén hồi hộp và thương.
“Anh Thương binh” của mấy chị em chúng tôi tóc đã dần nhuộm trắng, mắt đã dần mờ, chỉ có cái dáng đi khập khiễng là không bao giờ thay đổi và không thể nào thay đổi, dù dáng đi ấy có một nửa là “chân giả” thì vẫn rất đỗi chân thật với chúng tôi.
27.7.2021