Nghệ thuật bán hàng từ quán nước chè xanh

Thế nào là một công việc tầm thường?
Thế nào là một công việc quý phái?

Từ trước đến nay, tôi chỉ nghĩ những việc trộm cắp, lừa đảo, phi nhân tính, trái pháp luật… mới là tầm thường và đáng lên án, còn tất cả những công việc còn lại, đều quý phái như nhau.

Xưa, tôi thần tượng nghề làm thầy (Thầy giáo, thầy thuốc- bác sĩ, thầy cãi- luật sư), nhưng bây giờ tôi thấy những nghề này cũng như bất cứ những nghề quý phái còn lại khác, không phân biệt.

Thậm chí, tôi lại luôn thần tượng hai vợ chồng bác bán nước chè ngay trước cổng chung cư tôi ở. Nghề bán nước chè vỉa hè, thật quý phái.

Sáng sớm đến tối khuya, vợ chồng bác vẫn luôn ngồi cùng nhau bên quán nước sát mép cổng ra vào. Văn minh đô thị, người ta cấm bán hàng rong, nhưng rồi lại chậc lưỡi. Sáng, ông đẩy xe nước, gọi tờ báo khi anh xe báo đi qua, rồi chờ bà xách phích nước nóng xuống, pha mời khách. Họ cứ đủng đỉnh và hàn huyên với khách trông thật vô ưu. Nhưng phía sau đó là gì?
Gắn bó phải đến hơn 10 năm với quán nước chè dạo, tìm hiểu kỹ về kinh nghiệm chọn lá chè tươi, cách hãm chè sao cho nước xanh và ngon, bán kèm với nước chè xanh là các quà vặt linh tinh khác… Tất cả, đều phải là sự để ý tinh tế, sự chú ý quan sát nhỏ nhặt nhưng thật quan trọng.

Bác trai đã ngoài 50 tuổi, vóc dáng cao gầy dẻo dai, làn da rám nắng. Ngoài những lúc phụ vợ rót trà mời khách, buôn chuyện với khách, bác cũng theo đoàn thợ xây phụ vữa chỗ này đoạn khác, làm các công việc lặt vặt chân chính. Nói đến buôn chuyện với khách, đó cũng là một nghệ thuật nhé. Thử tưởng tượng quán nước chè đìu hiu, âm u trong ngày đông gió lạnh, ai nấy cầm cốc nước chè nóng hổi, lừ lừ nhìn nhau và… uống, thì còn gì là thú. Bên quán chè tươi, người có thời gian thì cùng nhau đi vài ba nước cờ tướng, hút điếu thuốc lào, người vội vã cùng không thiếu vài câu chào hỏi, rồi chưa tính người ghé qua với mục đích hỏi đường, hỏi thuê nhà… Người bán nước chè thường phải thu thập phần lớn các thông tin và thú vui bình dị đó.

Bác gái tóc đã lốm đốm sợi bạc, miệng lúc nào cũng đon đả, cười vui với khách. Bán một cốc nước chè từ những ngày còn là 500 đồng nay đã lên 3.000 đồng/ cốc, bác trở thành một người phục vụ chuyên nghiệp. Lúc vui ánh mắt cũng cười, lúc buồn cũng chẳng ai biết.

Có ai nói, bán một ngôi nhà to mới cần comple cà vạt, miệng nở như hoa, chào đón đon đả, mà bán một cốc nước chè lại không? Dù không comple ca vạt, nhưng giới trẻ muốn bán hàng tốt, có lẽ cần ngồi uống một cốc nước chè ở đây để học về nghệ thuật bán hàng, từ những sản phẩm nhỏ nhất này. Từ những câu chào hỏi xã giao nhưng rất thân tình, câu hỏi thăm bâng quơ nhưng lại điểm trúng huyệt… hay chỉ là tiếng cười hiền hậu ấm cúng trong gió đông.

Ấy vậy mà, bán nước chè thôi, làm các việc lặt vặt thôi, 2 bác đã nuôi 3 đứa con học đại học, đã mua được 1 căn hộ trên tầng 8, và mới đây dựng vợ gả chồng cho cô con gái đầu. Người ta nhìn vào nhà bác mà ngưỡng mộ, mà trầm trồ. Nghề bán nước chè có cao cả không?

Làm thầy hay làm thợ, đều phải xuất phát từ TÂM. Chưa hẳn người làm nghề cao quý thì lương tâm đã thanh tao, chưa hẳn người kiếm việc bình thường thì lương tâm đã thấp hèn.

Tại sao người dân lại đổ xô ra thành phố nhiều thế? Đơn giản vì thành phố cơ hội việc làm rộng mở hơn. Ở tỉnh, nếu không thuộc vào hàng 5C, không rủng rỉnh chi tiêu, liệu có nhiều cơ hội cho một bạn trẻ đặt chân vào hàng ngũ “Cổ cồn trắng”. Không thể bon chen nổi ở quê nhà, người ta lao ra xã hội, để có cơ hội… làm thuê.  Cho nên, nếu không phải hổ thẹn lương tâm, không trái với luân thường đạo lý, hãy làm bất cứ nghề gì bạn có thể, để kiếm được đồng tiền chân chính.

Bài viết khác

Nhật ký tuổi dậy thì con gái

Thu sang thay áo mới

Dọn tủ đón Tết, thay mới Nội y