Vợ với chồng 2 đầu tỉnh lẻ, quen rồi lấy nhau, rồi định cư luôn ở Thủ đô. Vẫn luôn có cái ý định, khi nào dòng máu hừng hực say mê lao động bớt đi, thì sẽ dắt díu nhau về thưởng thức “Chùm khế ngọt”. Vì dù sao, chỉ có quê hương, mới luôn tưới mát cho tâm hồn ta, vốn dĩ ngày ngày cứ bị khói bụi và mùi bê tông của Hà thành phủ kín.
Mẹ vợ, quê xa, 1 năm đôi ba lần lặn lội ra thăm con gái.
Vừa đặt vali xuống nền nhà, đi lại quan sát rồi mắng con gái xa xả:
– Chào ôi, sao cái trần nhà lắm mạng nhện thế này? Sao cái nhà vệ sinh loang lổ thể kia? Đã dặn bao nhiêu lần là khi nấu ăn xong phải chùi rửa bếp ga cho sạch sẽ, tủ chạn bát thì lau thường xuyên hơn, “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” cơ mà. …
Con gái cười tủm tỉm. Mẹ vẫn như hồi nào, như ngày con còn ở trong lồng, sạch sẽ gọn gàng như li như lau. Chạy vội vào pha cốc nước, đã thấy mẹ kịp thay quần áo và cầm chổi quét nhà.
Từ ngày có mẹ ra thăm, hai za, con gái vươn vai. Sáng lại được ngủ nướng một tí vì đã có người đi chợ, tối về đủng đà đủng đỉnh vì đã có người cho các con ăn. Chẳng bù cho mấy hôm trước, chuông đồng hồ vừa báo thức, mắt chưa kịp mở, chân đã phải vội xỏ xuống gậm giường, tối chân nam đá chân chiêu, quàng chỗ nọ xọ chỗ kia để về nhà cơm nước, cho con ăn, dạy con học, rồi ngốn nốt việc nhà.
Mẹ chép miệng: “Một mẹ già bằng ba giúp việc là thế đó”.
Mỗi bữa cơm, mẹ dỗ cháu ăn, thỉnh thoảng lại không quên gặp một miếng thịt vào bát con gái, nói như mắng: Ăn thêm thịt cá vào, muốn làm cái que chắc mà suốt ngày gắp rau?
Con rể ngồi bên nhanh nhảu: – Nhà con ăn chay??? Rồi cười hí hả.
Mẹ cũng cười. Mắt mẹ đã lộ rõ vết chân chim rồi, tóc bắt đầu lốm đốm sợi bạc. Cả một đời, đã bao giờ con gái để mẹ được thảnh thơi?
Mẹ chồng, quê ở gần hơn.
Mỗi lần lên thăm con, ngả nón xuống là mặt bơ phờ vì say xe. Ấy nhưng mệt mấy thì mệt, tay vẫn ôm vừa cả một bao tải, nào gạo, nào gà, nào chuối, đu đủ, mít, rau sạch…
Hàng xóm ngó sang: – Bà lên đi buôn đấy hử?
Mẹ nhanh mồm:- Tôi lên chơi mang theo lương thực để ăn.
Nói rồi, nhìn con dâu một thoáng, lườm luôn một nhát: – Lại ăn chay phải không? Tháng trước đến tháng nay không thấy thêm được tí thịt nào là sao???
Con dâu cười: Bao giờ bắp chân con bằng bắp tay U là con mừng lắm lắm.
Bữa cơm, ăn no nê, con dâu mỏi lưng, theo thói quen, duỗi chân nằm một phát xuống sàn. Chồng vừa kêu: Ơ kìa, đã thấy mẹ chồng đỡ lại: – Kệ nó, mỏi thì nằm, tao cũng phải… nằm một nhát đây.
Chồng tưởng có mẹ lên thăm được làm nũng, nào đâu tiu nghỉu đi dọn bát. Vợ nhỏm dậy định chạy vào rửa, đã bị mẹ chồng đưa bắp chân to đùng ra ngáng:- Mấy khi mẹ lên, để đó mẹ giúp.
Mấy ngày mẹ chồng ở lại, nhà cửa bớt ồn ào vì đuổi bắt trong giờ cơm. Các cháu có bà lên chăm, lấy làm vui thích. “Chông vợ hài” tranh thủ có bà trông cháu, lẻn đi chơi riêng.
Hôm đèo mẹ chồng ra bến, lúc lên xe, còn ngoảnh lại: – Lần sau tao không lên nữa, say xe đến chết.
Ấy thế mà, chưa đầy tháng sau, lại thấy mẹ chồng tay xách nách mang lên chơi, chưa kịp nghỉ ngơi, lại lườm con dâu một phát vì cái tội, chăm mãi không chịu phát tướng.
Xa quê, mỗi lần nghĩ đến cha mẹ ngày càng già yếu, lòng lại thấy nhức nhối. Chồng bảo, anh yêu em, nên anh cũng thương yêu ba mẹ em thật lòng. Hãy cứ báo hiếu ba mẹ mình như thế nào tuỳ ý.
Ông trời đã ban thưởng cho tôi hai đứa con, một trai, một gái. Thế nên, nếu có phúc, sau này tôi sẽ vừa là mẹ chồng, vừa là mẹ vợ. Tôi cũng muốn con trai, con gái mình lớn lên, ngoài trách nhiệm với gia đình riêng, còn phải luôn ghi nhớ tình cảm với quê hương, với bố mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục.
Đôi khi, cuộc sống không được như ta mong muốn, nhiều người ca thán, mẹ chồng tệ bạc với con dâu hoặc ngược lại, con dâu nanh nọc với mẹ chồng. Tôi đọc nhiều trên internet, những thông tin tiêu cực về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nhưng thực ra, chưa hoàn toàn đúng.
Tôi yêu mẹ đẻ mình bằng tình yêu thiêng liêng, nhưng chính mẹ cũng đang làm mẹ chồng của một cô con dâu khác. Mẹ tôi có thể tuyệt vời trong mắt tôi, nhưng chưa chắc đã làm hài lòng cô con dâu đó. Tất cả cũng chỉ phụ thuộc vào sự vị tha, sự thông cảm và từng trải.
Có con trai, yêu thương con mình, nên tôi hiểu thêm về mẹ chồng. Tôi biết được mình cần nhẫn nhịn điều gì, cần cởi mở ra sao để cho mối quan hệ “rắm rối từ xưa đến nay theo quan niệm” luôn được tốt đẹp. Điều đó cũng thể hiện tình cảm của tôi đối với chồng, đối với các con khi quý trọng người mẹ, người bà của “họ”.
Sắp đến ngày Lễ Vu Lan, báo hiếu mẹ cha, chúng con thật lòng xin gửi đến những người làm cha, làm mẹ một sự biết ơn sâu sắc về công lao sinh thành và dưỡng dục. Trong cuộc sống này, khi chưa trải qua hết những kiếp nạn, nhiều người sẽ chưa hiểu hết được lẽ nhân sinh ở đời, tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng bằng tình cảm thân thương trìu mến nhất, tôi muốn nói: CON YÊU BỐ MẸ!
Thật hạnh phúc khi tôi vẫn được cài bông hồng màu đỏ lên ngực áo.